Một mùa xuân mới lại đến với bà con nông dân và doanh nhân nông nghiệp Việt Nam. Cùng với những thay đổi càng ngày càng nhanh trong và ngoài nước là nhiều tư duy rất mới đang ùa về với “nông nghiệp hữu cơ”, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn,…; “nông dân thông minh”, chuyên nghiệp, khởi nghiệp…; “nông thôn hiện đại”, số hóa, xanh, truyền thống,…
Như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói “ngoài kia gió đang thổi” và những luồng gió mới đem về biết bao điều đổi mới và cả cơ hội kèm thách thức mà mỗi người chúng ta đều mong muốn nắm bắt được.
Khởi đầu công cuộc đổi mới khi nông dân còn chiếm phần lớn dân số và cả nước còn lo lương thực đủ ăn thì nông nghiệp được coi là “mặt trận hàng đầu”. Hễ nói đến nông nghiệp thì ta liên tưởng đến cánh đồng, ruộng vườn, chuồng trại, ngư trường, lâm trường.
Còn hôm nay, khi đã bàn đến xuất khẩu nông sản 50 tỷ đô la Mỹ thì tư duy kinh tế nông nghiệp đã mở rộng không gian, ra mọi tuyến đường vận chuyển, khu vực kho bãi, nhà máy chế biến, thậm chí đến các chuỗi siêu thị, các sàn giao dịch liên ngành, liên vùng, liên quốc gia.
Với một quốc gia có lợi thế nông nghiệp thì nghề nông không chỉ còn là sinh kế của nông dân mà còn là lợi ích và phúc lợi của công nhân chế biến, thương nhân buôn bán, doanh nhân phân phối…
Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệp hội gắn với doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp lớn liên kết với các doanh nghiệp đa quốc gia, hình thành hệ sinh thái tổ chức hoàn chỉnh.
Khái niệm “nền kinh tế” đã nối nông nghiệp với các ngành dịch vụ logistics thương mại và công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất vật tư đầu vào cả trong và ngoài nước.
Trong tương lai gần, giá trị nông sản không còn tính bằng năng lượng dinh dưỡng của lương thực, thực phẩm mà mở rộng ra tăng cường sức khỏe, ngăn chặn bệnh tật, làm đẹp dung nhan, cải thiện tầm vóc, kéo dài tuổi thọ. Người mua nông sản trả thêm tiền cho các mối quan tâm về đạo đức xã hội, bảo vệ thiên nhiên, giá trị văn hóa, phòng chống biến đổi khí hậu,…
Các sản phẩm kinh tế nông nghiệp bao gồm cả nông sản tươi sống, sản phẩm chế biến, phế, phụ phẩm tái sử dụng,… và cả từ vật tư đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp…
Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp đa chức năng không chỉ là đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, là bệ đỡ cho đất nước những lúc khó khăn mà còn phục vụ kết hợp công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ và du lịch, gắn với phát triển môi trường xanh, với phát huy văn hóa cổ truyền, với bảo vệ Tổ quốc và đóng góp cho nhân loại. Đó là tư duy nông nghiệp đa giá trị.
Nói về nông nghiệp trách nhiệm, có câu hỏi là: “Thế xưa nay, chúng ta làm nông nghiệp vô trách nhiệm à?” Trách nhiệm nói ở đây là trách nhiệm mới đối với cả người tiêu dùng, cả cho người sản xuất và cả với toàn xã hội. Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng.
Thu nhập tăng lên thì người tiêu dùng đã vượt qua vấn đề ăn no, ăn ngon mà muốn ăn bổ, ăn có giá trị. Sản phẩm phải tích hợp được đa giá trị dinh dưỡng, văn hóa, môi trường… vì thế sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh vững bền và nhân đạo ổn định.
Ngược lại, thị trường cũng đòi hỏi khách hàng có trách nhiệm với người sản xuất. Để họ được hưởng thương mại công bằng, an toàn lao động, môi trường sống trong lành, có chính sách xã hội đảm bảo. Các thị trường còn đòi hỏi vật nuôi được hưởng phúc lợi hợp lý, có đủ không gian sống, không bị ngược đãi; cây trồng phải trên các địa bàn không phá rừng, thủy sản đánh bắt phải bảo vệ khả năng tái tạo…
Và gần đây, sản xuất nông nghiệp còn đi kèm các yêu cầu để giảm phát thải cac-bon, hạn chế hiệu ứng nhà kính để đảm bảo tương lai cho xã hội loài người. Sản xuất cũng không còn đơn thuần chạy theo quy mô, sản lượng mà là câu chuyện giá trị chung và phúc lợi cho tất cả các bên.
Một chuyện khác là tư duy nông nghiệp bền vững. Hôm nay chúng ta đã phá nhiều núi đá vôi, đào hết cát sông, chặt trắng nhiều khu rừng, đánh bắt tận diệt phá nhiều bãi biển, vét hết than lộ thiên, rút kiệt nhiều nước ngầm, giết phần lớn thú hoang, và đang bới khoáng sản, hút dầu thô, xây thủy điện,… để lấy vật liệu xây dựng, có hàng hóa xuất khẩu, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP bằng mức tiêu xài năng lượng quá lớn, bằng chỉ số vốn đầu tư lãng phí, bằng năng suất lao động thấp kém…
Đó là cách sống tiêu dùng hôm nay không tính đến lợi ích con cháu mai sau, kém đảm bảo vững bền, cả về môi trường tự nhiên và xã hội ngay hôm nay. Trong các đợt khủng hoảng như dịch bệnh Covid-19 nếu không có nông thôn để rút lao động về tá túc, không có nông nghiệp để sản xuất lương thực thực phẩm, giữ CPI ở mức thấp, chống lạm phát, xuất khẩu để đảm bảo giá trị của đồng tiền Việt Nam thì kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ không ổn chứ chưa nói đến vấn đề lòng dân.
Nông nghiệp như tấm áo giáp, nông thôn như pháo đài đối với đất nước những lúc khó khăn. Phát triển vững bền là giải pháp rẻ tiền, hiệu quả nhất đảm bảo an ninh quốc gia, ổn định phát triển.
160 năm trước, nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ đã nhắc mọi người: “Xem thế thì thời thế vận hội trong thiên hạ đã tiến dần tới thời kỳ tráng thịnh, tung hoành bốn phương (…) ta không đến với người, người cũng đến với ta”. Trong thế giới toàn cầu hóa hôm nay, chậm chân trong đổi mới tư duy dẫn đến nguy cơ mất tự chủ kinh tế.
Ngay nuôi và chế biến cá tra là ngành Việt Nam “một mình một chợ” trên thị trường thế giới nhưng chính các doanh nghiệp Việt tự giẫm chân lên nhau, hạ giá xuống để dành thị trường. Muốn làm chủ chuỗi giá trị, làm chủ thị trường, vấn đề cốt yếu là phải tổ chức nhau lại.
Nông dân nhỏ chỉ có hợp nhau trong hợp tác xã mới đủ vị thế để cạnh tranh và đàm phán, bỏ qua thương lái trung gian. Doanh nghiệp chỉ có hợp tác tốt với nhau trong hiệp hội thì mới đủ khả năng bước ra thị trường thế giới.
Việt Nam hôm nay đã mở rộng cánh cửa hội nhập toàn cầu, vấn đề không phải là nói cho nhau nghe hay tranh cãi nhau về tư duy mà là quyết tâm thực hiện. Cái gì sai phải kiên quyết từ bỏ, lấy thực tiễn, lấy khoa học làm thước đo, quyết tâm biến tư duy mới thành hành động đúng. Muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình, muốn vươn lên bằng các nước trong khu vực, chúng ta phải kiên quyết hành động cho tương lai. Trong cuộc chơi của cơ chế thị trường, mọi địa phương hay quốc gia phải đứng trên lợi thế của mình để phát triển. Thay đổi tư duy phải vượt qua định kiến kinh tế tương lai thuộc về công nghiệp.
Đúng là trong nền kinh tế hiện đại, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5-7% GDP, dân số nông thôn chỉ chiếm khoảng 5-10% những cả nền kinh tế liên quan, các đối tượng phối thuộc với nông nghiệp thì lớn hơn gấp 4 -5 lần như thế. Trong giai đoạn 15 – 20 năm tới, ở những vùng có lợi thế như Đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nguyên thì nông nghiệp vẫn có thể trở thành ngành chủ đạo, những ngành khác phải phục vụ nó, phát huy vai trò của nó và lấy nó để phát triển mình.
Để Việt Nam trở thành “cánh đồng của thế giới”, “nhà bếp của thế giới” thì nông nghiệp không thể là ngành phải hi sinh, phục vụ cho công nghiệp, dịch vụ.
Vai trò của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai không chỉ là nền tảng, trụ đỡ như những năm qua mà phải là động lực, cốt lõi của nền kinh tế, đóng vai trò thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ để trở thành lợi thế và sức mạnh của đất nước.
Sức mạnh của chúng ta là thiên nhiên nhiệt đới tuyệt vời, dù biến đổi khí hậu khắc nghiệt vẫn có những vùng sản xuất vững bền, đủ lao động, đủ nguồn nước. Trên tất cả là sức mạnh của con người Việt Nam. Phải chế biến sâu phần lớn nông sản thô, kể cả phế phụ phẩm. Nông sản chuyển thành thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, nguyên liệu may mặc, nguyên liệu thủ công mỹ nghệ…
Chúng ta phải bán máy móc nông nghiệp, máy chế biến nông sản… Lao động xuất khẩu lao động phải là người làm vườn, người đánh cá, người chăm sóc cây cảnh, nhân giống ghép cành, người nấu bếp…
Thực tế của Israel, Hà Lan và các nước phát triển nông nghiệp dựa trên công nghệ cao và tổ chức gắn bó cho thấy suất đầu tư trên một đơn vị diện tích nông nghiệp hiện đại, năng suất của nông nghiệp tiên tiến tương đương công nghiệp, dịch vụ.
Cuộc bỏ về của 1,3 triệu lao động từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh công nghiệp trong đợt dịch vừa qua đặt ra câu hỏi lớn: Làm nào thế để làm chủ tiến trình hàng chục triệu người sẽ dịch chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển dịch từ nông thôn về đô thị…
Và tôi nghĩ rằng không một ai, không một quốc gia nào, không một lực lượng doanh nghiệp nào đủ mạnh để đủ sức tạo dựng sự thay đổi vĩ đại đó. Điều cần làm là xây dựng chiến lược trao quyền cho người nông dân để chính họ đóng vai trò chủ thể của quá trình lột xác xã hội, thay đổi sinh kế, địa bàn sinh sống, thay đổi ngành nghề…
Muốn như thế phải thay đổi cách quản lý, tổ chức, dịch vụ hỗ trợ đầu tư công để biến người dân thực sự trở thành chủ thể. Có như thế chúng ta mới có được nông thôn thực sự hiện đại hóa, nông dân thực sự có tinh thần làm chủ, có trí tuệ, năng lực và tác phong công nghiệp.
Tình trạng khó khăn đầu ra, ùn ứ nông sản phải giải quyết dứt điểm. Trong một nền kinh tế có độ mở lên tới 200%, một nền nông nghiệp xuất khẩu 47 – 48 tỷ đô la thì dứt khoát chúng ta phải biết rõ thị trường ra sao, đòi hỏi tiêu chuẩn gì, người tiêu dùng là ai, họ yêu cầu như thế nào, người phân phối ở thị trường là ai, làm thế nào tiếp cận họ?…
Chúng ta cần xây dựng một hệ thống thu thập thông tin chuyên nghiệp, đồng thời có cơ chế tạo động lực để các đại sứ, thương vụ và đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia, đối tác chủ động phối hợp tạo ra trăm tay nghìn mắt thu thập thông tin. Chúng ta cần có cơ quan phân tích và dự báo xu hướng tiêu dùng, công nghệ, nhu cầu, tiêu chuẩn từng thị trường, đầu mối mua bán, hệ thống vận chuyển…
Tổ chức các hội nghị để cung cấp thông tin và ra các tạp chí thông tin, tham vấn cho doanh nghiệp, cho nông dân ra quyết định đầu tư sản xuất kinh doanh. Người hoạch định chính sách từ Trung ương đến địa phương cần có cơ chế để căn cứ vào thông tin chính xác mà quản lý nhà nước.
Thị trường trong nước đang thay đổi hàng ngày, mỗi năm hơn 1 triệu người tham gia vào tầng lớp trung lưu. Đô thị hóa tăng nhanh, người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi khắt khe. Thị trường thế giới còn thay đổi mạnh hơn.
Trước đây, Âu, Mỹ đòi hỏi các sản phẩm sạch, an toàn kiểm soát chặt tồn dư chất kháng sinh, hóa học, sau đó họ đòi hỏi sản phẩm phải sản xuất từ những nơi môi trường được bảo vệ, nông dân được đối xử tử tế kèm theo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Còn bây giờ chúng ta đã cam kết các tiêu chuẩn về giảm phát thải carbon, giảm hiệu ứng nhà kính… để đáp ứng kịp thời với những thay đổi to lớn đó, ở mỗi địa phương, mỗi ngành hàng, cần hình thành các vùng chuyên canh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; có tiêu chuẩn kỹ thuật; có các trung tâm công nghiệp phục vụ sản xuất kết nối với hệ thống dịch vụ logistics đảm bảo số hóa, truy xuất nguồn gốc, làm nền tảng để xây dựng thương hiệu. Như vậy, ước mơ trở thành cường quốc nông nghiệp của Việt Nam sẽ thành hiện thực.
Đầu xuân Xin kính chúc bà con nông dân doanh nhân và đội ngũ cán bộ nông nghiệp tư duy mới và thành công lớn.
Nguồn: nongnghiep.vn