Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, chuyên gia chính sách Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp phân tích: Lúa gạo Việt Nam có giá trị đặc biệt và vai trò quan trọng cần được nhìn từ nhiều khía cạnh, đồng thời vẫn đang mở ra những vấn đề khiến chúng ta phải tiếp tục suy nghĩ và hành động. Mục tiêu cuối cùng phải bảo vệ quyền lợi người làm lúa, hài hòa lợi ích người tiêu dùng và phát huy được thế mạnh đất nước một cách căn cơ, cả trước mắt và lâu dài.
Lúa gạo Việt Nam gắn với vấn đề an ninh lương thực trong nước và thế giới. Ở Việt Nam, không ít người cho rằng đã là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhiều năm nay, có gì phải lo an ninh lương thực? Rất đúng là sản xuất lúa gạo nước ta luôn vượt xa so với tiêu dùng nhưng an ninh lương thực không chỉ nhìn từ góc độ cân đối cung cầu.
Vấn đề thứ nhất là biến động giá. Cơ chế thị trường đã giúp kết nối thị trường lương thực rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá khứ vẫn có lúc thiên tai làm gián đoạn giao thông vận tải cục bộ, dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi giá trị, thông tin sai lạc…, khiến người tiêu dùng đổ đi mua, tích trữ lương thực ở một số nơi năm 2008, hay đợt dịch Covid-19 vừa qua. Trong tương lai, nếu thị trường quốc tế xảy ra biến động lớn về kinh doanh gạo quy mô lớn cả tiểu ngạch và chính ngạch, không thể tránh khỏi việc tăng giá trong nước. Giá gạo tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm hộ nghèo theo thống kê hiện đang còn khoảng 1 triệu hộ nghèo đa chiều, họ cũng là những người đang dành hơn ¼ chi tiêu cho gạo.
Vấn đề thứ hai, an ninh lương thực gắn với sinh kế của người dân. Trong bối cảnh hơn 60% tổng số người lao động, đóng góp ¾ việc làm của cả nền kinh tế đang sống và làm việc trong vị thế “phi chính thức”, không có hợp đồng, không có bảo hiểm, không có chế độ bảo vệ…, nếu gặp những biến động của cá nhân họ như ốm đau, tai nạn, thai sản,… hay tác động bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng,… là mất sinh kế, là thiếu tiền mua lương thực, thực phẩm. Chúng ta đã thấy trong đại dịch Covid-19, cả triệu người phải rời các khu công nghiệp và đô thị ở miền Nam để trở về nông thôn kiếm sống.
Vấn đề thứ ba, an ninh lương thực nhìn từ khía cạnh vệ sinh, an toàn thực phẩm. Dù đã tiến bộ rất nhiều nhưng lại có thêm câu đố mới. Hạt gạo Việt Nam hôm nay đã đảm bảo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính và có chất lượng được cải thiện rất nhanh nhưng còn đó vấn đề ô nhiễm nguồn nước, thoái hóa đất, ô nhiễm không khí, suy giảm đa dạng sinh học, phát thải carbon…
Tại các thành phố lớn, lượng tiêu thụ gạo từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 đã giảm xuống còn 7,6 kg/người/tháng trong năm 2020. Thu nhập tăng lên, mọi người quan tâm hơn đến lượng đường trong tinh bột, muốn ăn gạo còn cám, lúa hữu cơ và cổ truyền,… Nói cách khác, một quốc gia chuyển sang thu nhập trung bình sẽ yêu cầu khác với tiêu chuẩn đối với một nước thu nhập thấp.
Vấn đề thứ tư là nền sản xuất nông nghiệp đang chuyển thành kinh tế nông nghiệp. Việt Nam tuy là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng đồng thời vẫn còn phải nhập khẩu rất nhiều gạo. Năm 2022 đã nhập khẩu hơn 1,64 triệu tấn gạo và tấm làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, chế biến xuất khẩu,… Từ Campuchia 1 triệu tấn, từ Ấn Độ 640 nghìn tấn và cả số ít gạo cho nhu cầu ăn đa dạng từ Thái Lan, Trung Quốc, Lào…. Khi tình hình giá lúa gạo và các nông sản khác biến động trên thị trường thế giới sẽ khiến giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng vấn đề an ninh lương thực, nếu nhìn ra thế giới, gạo là lương thực hàng ngày của hơn 3,5 tỷ người, là hơn một nửa dân số toàn cầu và phần lớn người nghèo trên thế giới ở châu Á và Phi. Phần lớn các quốc gia đều cố sản xuất đủ tiêu dùng. Xuất khẩu gạo chỉ chiếm gần 10% tổng sản lượng lúa gạo hàng năm toàn cầu, hễ thừa là giá giảm mà thiếu thì tăng vọt. Vì sự liên quan mật thiết của nó với đời sống kinh tế và ổn định chính trị, hầu như trên toàn thế giới, không chính phủ nào coi lúa gạo như hàng hóa bình thường. Một mặt họ trợ cấp cho sản xuất và tiêu dùng, mặt khác thu mua dự trữ lớn khi có rủi ro, vì thế giá lúa không phản ánh sát quan hệ giá thành giữa đầu vào và đầu ra. Cạnh tranh trên thị trường thế giới không phải giữa người nông dân sản xuất với nhau mà còn giữa các chính phủ.
An ninh lương thực gắn với an ninh chính trị. Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các cuộc nổi dậy và biểu tình phản đối tại 13 quốc gia ở thế giới Ả Rập, lật đổ chính phủ ở Tunisia và Ai Cập là khủng hoảng giá lương thực thế giới 2008. Trong 10 năm gần đây, thì cứ 3 năm dân số Châu Phi tăng thêm khoảng 100 triệu người và chỉ trong 3 năm qua đã xảy ra 7 cuộc đảo chính trên khắp Tây và Trung Phi. Cung cấp đủ cái ăn cho dân số tăng rất nhanh và kinh tế chính trị bất ổn là thách thức lớn cho chính phủ các nước trong vùng. Bên cạnh nước ta, quan sát kỹ sẽ thấy các biến động chính trị ở Myanmar, Campuchia, Thái Lan,… cũng gắn liền với chính sách sản xuất, kinh doanh lúa gạo.
Để thu hút được tay súng hay lá phiếu ủng hộ của đông đảo người sản xuất và tiêu dùng lúa gạo, hầu hết quốc gia phải trợ giá cho sản xuất và tiêu dùng. Nước nhập khẩu như Philippines giai đoạn 2012 – 2017 hỗ trợ giá cho 5,2 triệu người, chiếm 28% tổng số hộ với mức 17 peso/kg, cộng thêm khuyến khích phát triển hợp tác 0,3 ưu đãi giao hàng 0,2 và ưu đãi sấy 0,2 peso/kg… Giá bán buôn và bán lẻ được trợ cấp 25 – 27 peso/kg. Nhật Bản trợ cấp sản xuất lúa ở mức 0,4 triệu Yên/ha. Nước xuất khẩu như Thái Lan năm 2019 trợ giá 31.500 tỷ baht cho 892.000 nông dân trồng lúa khi giá lúa xuống thấp để đảm bảo thu nhập cho họ. Gần đây, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã trình WTO cáo buộc Ấn Độ hỗ trợ nông dân trồng lúa tới 78,6% giá trị thị trường niên vụ 2014 – 2015 và 93,9% trong niên vụ 2020 – 2021…
Trên thế giới, lúa gạo khi trở thành “sản phẩm chính trị” đã không còn là câu chuyện của người nông dân mà là hành động can thiệp vào thị trường của các đảng phái, chính phủ, vùng lãnh thổ, các quốc gia. Nước thiếu bỏ ngân sách vào mua đủ gạo ăn, nước thừa can thiệp vào để cạnh tranh bán cho hết gạo sản xuất, làm cho giá cả trên thị trường lúa gạo luôn “méo mó”. Các chính sách trợ cấp cho lúa gạo giống như những “liều thuốc phiện”, chính phủ đã trợ cấp một lần thì phải trợ cấp mãi, thậm chí lần sau phải tăng liều cao hơn lần trước và càng trợ cấp thì sức cạnh tranh của quốc gia lại càng yếu hơn, trong khi người dân thêm ỷ lại.
Việt Nam có lẽ là một ngoại lệ. Ngành lúa gạo Việt Nam ngoài thiên nhiên phù hợp, trù phú; người sản xuất kinh doanh chăm chỉ, tài ba; cơ sở hạ tầng thủy lợi và nền tảng của nền văn minh lúa nước được xây dựng hàng ngàn năm còn có cả chính sách tạo ra sức cạnh tranh lúa gạo có tính thị trường đúng nghĩa. Rút bài học đau đớn từ thời bao cấp, thời mà chính sách sai lầm “mua như cướp, bán như cho”, thị trường cực kỳ méo mó mà lại trói tay người dân. Suốt gần 40 năm đổi mới, ngành nông nghiệp chuyển sang đầu tư cho thủy lợi, sản xuất giống, khuyến nông, bảo vệ thực vật nhưng hầu như không trợ cấp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay đầu ra như thu mua ưu đãi, trừ phần nhỏ trợ cấp thủy lợi phí và hỗ trợ lãi suất thu mua tạm trữ khi giá xuống.
Người nông dân và doanh nhân Việt Nam tự vượt lên bằng sức mạnh và cạnh tranh một cách sòng phẳng và minh bạch với thị trường đã đứng lên, từ chỗ ăn không đủ no trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới. Tuy vậy, phải thấy rõ bản chất bất công của thị trường lúa gạo để phát huy thế mạnh này. Nếu thị trường không méo mó vì chính sách, bản thân ngành lúa gạo rất có lợi, nhất là đối với một quốc gia có nhiều lợi thế như Việt Nam. Thời Pháp thuộc, khi thị trường lúa gạo thế giới chưa bị can thiệp nhiều thì chính lợi nhuận trồng lúa từ Đồng bằng sông Cửu Long và một phần từ cao su ở Đông Nam bộ đã nuôi sống một cách thừa thãi bộ máy chính quyền Đông Dương và đóng góp to lớn cho nước Pháp công nghiệp hóa.
Càng về sau, lúa gạo càng trở thành mặt hàng chính trị. Cho nên chúng ta phải nhìn nhận thực tiễn này để một mặt, có chính sách hợp lý khuyến khích đúng mức cho người sản xuất, kinh doanh, cho địa phương sản xuất lúa. Không trợ cấp nhưng phải đầu tư đúng mức và đổi mới tổ chức thể chế để hạt gạo Việt Nam cạnh tranh công bằng với thế giới. Đồng thời, cũng phát huy được lợi thế của cây lúa như sức mạnh mềm của một loại “hàng hóa chính trị”, không đối xử với nó như một hàng hóa kinh tế thông thường. Trong thế giới hiện đại, các quốc gia không chỉ phát huy lợi thế kinh tế bằng sản xuất hàng hóa mà còn tạo ra sức ép chính trị, sức mạnh ngoại giao, răn đe quốc phòng dựa trên sự đồng cảm nghệ thuật, say mê thể thao, kết nối công nghệ, gắn bó dịch vụ, và nhất là kết nối các khâu trong chuỗi giá trị toàn cầu và ràng buộc sản phẩm thiết yếu như năng lượng, nguyên liệu, lương thực, khoáng sản,…
Một khi gạo là thức ăn cơ bản của 90% dân số châu Á mà Việt Nam lại là quốc gia xuất khẩu lúa gạo thứ ba trên thế giới, có khả năng điều chỉnh giá toàn cầu thì trong tay chúng ta nắm “sức mạnh mềm” quan trọng. Lúa gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi, Trung Đông gián tiếp ổn định chính trị và kinh tế của châu Âu, Bắc Mỹ đang chịu những thử thách nghiêm trọng. Ở châu Á, các bạn hàng chính xuất nhập khẩu gạo với Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia,… đều là các nước đối tác quan trọng với Việt Nam về biển đảo, lãnh hải thủy sản, khai thác dầu khí, thương mại trên biển, đầu tư kinh tế, an ninh biên giới,… Nếu Việt Nam đảm bảo “dạ dày” cho họ thì nông dân, doanh nhân lúa gạo đang đóng vai trò quan trọng về ngoại giao, quốc phòng, kinh tế.
Không nên coi trách nhiệm với an ninh lương thực thế giới chỉ mang tính nhân đạo và phần hi sinh lại do nông dân và doanh nhân Việt Nam gánh chịu. Cách vững bền nhất là đảm bảo để lúa gạo luôn phát triển, tạo thế mạnh bảo vệ đất nước, thu hút đầu tư, gắn bó ngoại giao, quảng bá văn hóa… Hiện nay, các quốc gia kể trên cũng áp dụng chiến lược dài hạn quan hệ với Việt Nam. Họ đều là các nước đầu tư chính trong công nghiệp, thu hút chính lao động xuất khẩu… Không lẽ gì, chúng ta lại giữ hình thức mua bán lúa gạo kể cả giữa các chính phủ theo hình thức mua đứt, bán đoạn hàng năm mà không chuyển sang quan hệ dài hạn, hình thành các vùng chuyên canh áp dụng giống lúa và tiêu chuẩn cho từng nước, thu hút đầu tư liên doanh, xây dựng hệ thống kho ngoại quan để các nước hoàn toàn yên tâm về an ninh lương thực của mình từ nguồn lúa gạo Việt Nam?
Sau Khoán 10 trao quyền cho người dân, đến năm 2013, chúng ta cởi trói một lần nữa khi cho phép đa dạng hóa sản xuất trên đất lúa kém hiệu quả và đã nâng thu nhập sản xuất nông nghiệp lên rõ rệt. Tuy nhiên, hãy nhìn xem có bao nhiêu doanh nghiệp Việt lớn mạnh được nhờ lúa gạo? Có bao nhiêu doanh nghiệp FDI đầu tư vào lúa gạo Việt Nam? Đời sống người làm lúa, GDP các địa phương trồng lúa như thế nào?… Lời giải đó phải bắt đầu từ cách nhìn, từ tư duy xem lúa gạo là sức mạnh mềm của đất nước. Nhà nước đã có chiến lược hình thành các vùng chuyên canh lúa được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng và dịch vụ.
Đặc biệt, cần đổi mới đột phá thể chế và khoa học công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài để các doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt cuộc chơi và người nông dân gắn bó tích cực.
Tại Nghị quyết Trung ương 19 về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn năm 2022, lần đầu tiên Đảng xác định “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia”, một lời đánh giá hiếm thấy với các lĩnh vực kinh tế khác. Có rất nhiều việc phải làm để phát huy cho được lợi thế đó. Trước mắt, tôi cho rằng cần tập trung đầu tư phát triển những vùng trọng điểm của nông nghiệp Việt Nam là Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Đất nước ta chỗ nào cũng làm nông nghiệp được nhưng tầm cỡ thế giới thì chỉ có 2 vùng trên.
Thứ hai, phải chọn ra mặt hàng chiến lược để xây dựng vùng chuyên canh, chuỗi liên kết, đầu tư logistics, chế biến, dịch vụ thương mại, đào tạo con người… hình thành nên thế trận nền kinh tế nông nghiệp.
Cả hai việc này, các quốc gia nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đều làm thành công. Thái Lan có lúa gạo, mía đường, cây ăn quả; Brazil có cà phê; Hà Lan có hoa tuy lip, sữa bò; Malaysia có cọ dầu… Cách làm có kết quả của họ giống nhau ở chỗ, xác định vùng nông nghiệp trọng điểm, ngành hàng chủ lực và xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nguyên liệu gắn với các cụm công nghiệp chế biến nông sản, nối các trung tâm hậu cần, gắn hệ thống khoa học công nghệ… Cốt lõi là hệ sinh thái tổ chức doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã gắn kết với nhau trong các chuỗi giá trị. Bên ngoài là hệ thống thông tin thị trường hiện đại, giám sát toàn bộ tình hình và cung cấp ngược trở lại cho lực lượng tác chiến bên trong.
Bao trùm công tác quản trị các vùng trọng điểm nông nghiệp như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên là các “Hội đồng vùng” gắn kết đại diện của các địa phương và đại diện các bộ ngành liên quan quản lý các hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ chính trong toàn vùng. Với các ngành hàng chiến lược như lúa gạo, thủy sản, cà phê,… đều hình thành các “Hội đồng ngành hàng” gồm đại diện của doanh nghiệp, người nông dân, hợp tác xã, các bộ ngành liên quan. Đây là các tổ chức có trách nhiệm phối hợp giữa các tác nhân để bàn bạc quyết định về giám sát thực hiện quy hoạch, đầu tư, đóng góp và giám sát thực hiện chính sách thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề phát sinh, xây dựng các mục tiêu chiến lược như thương hiệu, phát triển thị trường, tranh chấp thương mại….
Ở Việt Nam, mặc dù Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân đã bỏ ra rất nhiều công sức làm liên kết bốn nhà, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, xây dựng chuỗi giá trị,… tuy nhiên, trong sản xuất các ngành hàng nói chung và lúa gạo nói riêng, các khâu sản xuất kinh doanh vẫn tách rời nhau. Việc sản xuất phó mặc cho nông dân, việc thu mua từ nông dân phó mặc cho thương lái và doanh nghiệp có nhà máy chế biến. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ ký hợp đồng bán gạo và huy động từ các nhà máy xay xát theo kiểu “sang mạn tàu”. Tình trạng hợp đồng xuất khẩu với bên ngoài kí trước, rồi mới mua gạo theo giá lên xuống trong nước nên khi xảy ra biến động giá sẽ nảy sinh mâu thuẫn và các bên đều muốn kéo lợi về mình và đẩy rủi ro sang người khác. Vì thế, quan hệ thay vì cộng tác lại thành đối đầu.
Nếu cứ duy trì cách thức tổ chức yếu kém như hiện nay sẽ tạo ra cơ hội cho các tập đoàn FDI xuyên quốc gia tiến vào đánh chiếm các ngành hàng nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế. Họ sẽ xây dựng các chuỗi giá trị theo mô hình “sản xuất gia công”. Trong đó, những khâu có giá trị gia tăng cao nhất, quyết định nhất như cung ứng giống, vật tư đầu vào, chuyển giao khoa học công nghệ, chế biến sâu, xuất khẩu, bán lẻ,… thuộc về họ. Các doanh nghiệp và nhất là nông dân nhỏ chỉ được hưởng phần lợi nhuận nhỏ nhoi như người đóng góp sức lao động kèm theo mọi rủi ro dịch bệnh, thiên tai và ô nhiễm môi trường… Thực tế Việt Nam chúng ta đã và đang chấp nhận tình trạng này trong nhiều ngành công nghiệp và nông nghiệp hiện cũng đang bị đẩy lùi trong chăn nuôi, lấn vào thủy sản, cà phê…
Để giành thế đứng trên sân nhà, phát huy được “lợi thế quốc gia” của ngành nông nghiệp, các cấp lãnh đạo địa phương và ngành cần sắp xếp lại thế trận từng ngành hàng và xác lập vị thế người làm nông nghiệp nói chung và người làm lúa nói riêng. Nhất định phải xác định vùng chuyên canh như Đồng bằng sông Cửu Long phải rõ lúa gạo ở đâu, cây ăn trái ở đâu, thủy sản ở đâu. Tây Nguyên phải rõ cà phê ở đâu, tiêu ở đâu, cây ăn quả ở đâu, rừng ở đâu… Có như thế mới đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, logistics, nhà máy chế biến, nguồn nhân lực. Tại vùng chuyên canh cần xác định và hỗ trợ doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và người nông dân. Ví dụ, vùng Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp là vựa gạo của thế giới phải đầu tư cơ giới hóa, hợp tác hóa, số hóa cao. Chỗ trồng Japonica cung cấp cho Nhật Bản, chỗ trồng gạo nếp bán đi Trung Quốc, chỗ trồng gạo trắng bán Philipines…
Vấn đề thứ hai là sắp xếp lại vị thế của người làm lúa. Đó là vị thế của người nông dân, của thương lái, đại lý, hợp tác xã, doanh nhân và các địa phương đảm nhiệm 3,5 triệu ha đất lúa cho đất nước. Một quốc gia lợi thế sản xuất lúa gạo thì người Thái Bình, Nam Định, người Đồng Tháp, Kiên Giang, An Giang, những quê hương làm ra “bát gạo” của cả thế giới phải hiên ngang lên, có cơ hội phát triển lên chứ không thể cứ lầm lụi mãi như hiện nay. Muốn làm lúa giàu có thì phải sản xuất quy mô lớn và con đường duy nhất là phát triển hợp tác xã, phát triển trang trại… Luật Hợp tác xã mới đã ban hành, Nhà nước phải có chính sách đầu tư đất, vốn, đào tạo cán bộ…, để hợp tác xã phát triển gánh vác 3 sứ mệnh: cung cấp vật tư đầu vào, mua nông sản đầu ra, cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho người làm lúa. Khi đó mới rút được lao động khỏi nông nghiệp và lột xác thành 3 nhóm: lao động phi nông nghiệp, trí thức đi vào nền kinh tế số và khởi nghiệp trở thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn.
“Người làm lúa” thứ hai là cộng đồng doanh nghiệp. Người nông dân cần hợp tác xã để lột xác thì cộng đồng doanh nghiệp cũng cần hiệp hội để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và để phát triển. Hiệp hội của những doanh nghiệp làm lúa sẽ là nơi liên kết ngang các doanh nghiệp với nhau, cung cấp dịch vụ công cho doanh nghiệp và đại diện cho họ đóng góp, đánh giá chính sách. Doanh nghiệp xuất khẩu phải gắn với doanh nghiệp có nhà máy chế biến, gắn với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, gắn với ngân hàng…
“Người làm lúa” thứ ba là các địa phương trồng lúa cũng rất cần một bước liên kết kết giữa các lãnh đạo các địa phương thành liên kết vùng. Vùng liên kết đó phải thực sự là một cộng đồng, giống như một hiệp hội. Chúng ta hướng đến tổ chức cộng đồng phải từ dưới lên, trong ra, về buôn bán, cơ sở hạ tầng, dịch vụ. Ví dụ tổ chức vùng lúa, vùng cây ăn trái, thủy sản…
Khi đã có liên kết ngang nông dân với nhau, doanh nghiệp với nhau, địa phương với nhau rồi sẽ xây dựng, tổ chức liên kết dọc. Liên kết dọc đó giải quyết các bài toán xây dựng vùng chuyên canh thế nào, tổ chức sản xuất ra sao, tìm thị trường thế nào, giá cả làm sao, chế biến, hợp tác quốc tế thế nào…. Cùng nhau hình thành vùng chuyên canh là liên kết dọc, chuỗi giá trị là liên kết dọc, và cao nhất chính là hội đồng ngành hàng như đã nói ở trên.
Một hệ sinh thái các thể chế nông nghiệp, vững mạnh và bền vững là giải pháp đột phá để tháo gỡ vướng mắc chính đang làm yếu khả năng cạnh tranh của các mặt hàng chiến lược Việt Nam. Phải khẩn cấp tổ chức lại theo mô hình chung của thế giới thì Việt Nam mới có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu một cách hiệu quả.
Nếu làm được những điều đó tôi nghĩ rằng ít có quốc gia nào có được vị thế như Việt Nam, vị thế của một cường quốc nông nghiệp.
Nội dung: Hoàng Anh
Thiết kế: Trọng Toàn