Giải cứu nông sản vùng dịch: Phép thử cho sự “hiệp đồng tác chiến”của các Bộ, ngành, địa phương

Giải cứu nông sản vùng dịch: Phép thử cho sự “hiệp đồng tác chiến”của các Bộ, ngành, địa phương | VTV.VN (Link Video)

Cà rốt, bắp cải, su hào…, hàng nghìn tấn nông sản ở Hải Dương bị ùn ứ do dịch COVID-19. Giải cứu nông sản như thế nào cho kịp thời nhưng đảm bảo an toàn phòng dịch?

Ngày 16/2, tỉnh Hải Dương chính thức tiến hành phong tỏa toàn tỉnh để phòng chống dịch COVID-19.

Từ ngày 17/2, Hải Dương còn khoảng 800 ha cà rốt chưa thu hoạch, 30.000 tấn cà rốt cần được xuất qua cảng Hải Phòng, hơn 3.500 ha cây rau màu vụ Đông đang đến kỳ thu hoạch.

Giải cứu nông sản vùng dịch: Phép thử cho sự “hiệp đồng tác chiến”của các Bộ, ngành, địa phương - Ảnh 1.

Nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân ở tỉnh Hải Dương như bắp cải, su hào, cà rốt… đến thời điểm thu hoạch nhưng bị dồn ứ, không thể bán hay xuất khẩu ra nước ngoài do tình hình dịch COVID-19. (Ảnh: Báo Tin Tức)

Ngày 18/2, thành phố Hải Phòng cho phép các xe vận tải hàng hóa của Hải Dương vào Hải Phòng và nhưng phải có giấy xác nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Chỉ trong ngày 20/2, Hải Dương đã đã lấy mẫu cho khoảng 200 lái xe, trả kết quả trong ngày càng sớm càng tốt, để có thể vận chuyển hàng hóa ra khỏi vùng dịch.

Ngày 23/2, tỉnh Hải Dương đề nghị các địa phương sớm tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh này được lưu thông, kịp thời xuất khẩu. Hải Dương tồn khoảng 90.000 tấn hành, tỏi, cà rốt và rau.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị có phương án tháo gỡ lưu thông xe hàng từ Hải Dương đi Hải Phòng trên Quốc lộ 5.

Giải cứu nông sản vùng dịch: Phép thử cho sự “hiệp đồng tác chiến”của các Bộ, ngành, địa phương - Ảnh 2.

Ngày 23/2, tỉnh Hải Dương đề nghị các địa phương sớm tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh này được lưu thông, kịp thời xuất khẩu. (Ảnh: Báo Tin Tức)

Tối ngày 24/2, TP Hải Phòng đã cho phép các phương tiện vận tải hàng hóa được lưu thông trên Quốc lộ 5.

Sau một tuần bị ách tắc, nông sản vùng dịch Hải Dương đã được lưu thông. Trên mạng xã hội, cộng đồng mạng kêu gọi chung tay giải cứu nông sản cho bà con. Hàng chục điểm bán hàng giải cứu nông sản được tổ chức tại Hà Nội. Những chiếc xe hàng chở 10 tấn nông sản có thể bán hết trong chưa tới 30 phút. Dù giá thành không cao, nhưng đây là sự hỗ trợ rất ý nghĩa với bà con nông dân vùng dịch.

Ngày 24/2, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tháo gỡ ngay ách tắc lưu thông hàng hóa, đảm bảo lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh… chỉ đạo cần có ngay một quy chế giữa 3 Bộ: Công Thương, Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Y tế, ban ban quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa đảm bảo yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc.

Bộ Công Thương cũng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy tiêu thụ nông sản của các tỉnh có dịch.

Giải cứu nông sản vùng dịch: Phép thử cho sự “hiệp đồng tác chiến”của các Bộ, ngành, địa phương - Ảnh 3.

Trong vòng vài chục phút, gần chục tấn rau củ quả đã được bán hết. (Ảnh: Báo Tin Tức)

Liên quan đến vấn đề giải cứu và tình hình tăng trưởng của Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần phải tiếp tục lưu thông hàng hóa, không ngăn sông cấm chợ. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ hàng hóa trong vùng dịch để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa không để ách tắc.

Sau những khó khăn ban đầu do ảnh hưởng bất ngờ của dịch bệnh, đến nay tình hình đã được kiểm soát và dần đi vào trạng thái bình thường mới. Những bài học kinh nghiệm từ việc xử lý nông sản, hàng hóa trong đợt dịch vừa qua ở Hải Dương cần phải được các Bộ, ngành, địa phương đúc rút lại để xây dựng quy trình xử lý trong các tình huống khẩn cấp, hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế của địa phương và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Phong tỏa do dịch đặt ra những thách thức gì đối với việc giải tỏa nông sản ở khu vực này? Trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương để điều tiết việc này được phân định như thế nào?

Câu trả lời sẽ phần nào được giải đáp trong chương trình Sự kiện và Bình luận ngày 27/2 với sự tham gia của ông Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp.