35 năm đổi mới đã nâng nông nghiệp Việt Nam lên tầm thế giới, trong đó 5 năm vừa qua góp sức làm đẹp thêm bức tranh, giúp nền nông nghiệp vững bền trước biến động. Đó còn là sự thể hiện khéo léo, kiên cường, hiệu quả của các thế hệ lãnh đạo ngành Nông nghiệp.
TS Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp) đã trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam về một chặng đường dài nông nghiệp, những thách thức cần tiếp tục vượt qua.
Thưa ông, nhìn lại 35 năm đổi mới đã thay đổi bộ mặt đất nước và nền kinh tế. Trong toàn bộ quá trình thành công và thử thách đó, lĩnh vực đặc biệt nhất, điểm sáng rực rỡ nhất trong nền kinh tế Việt Nam không thể bỏ qua là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Là người chứng kiến từng bước tiến, ông có thể đánh giá một chút vị thế nông nghiệp qua từng thời kỳ, xin bắt đầu từ sau Đổi mới?
Sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được thành tựu to lớn, từ một nước nghèo, đói ăn quanh năm, trở thành một nước đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu gạo thứ 2thế giới, chuyển từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang nền kinh tế xuất khẩu trên 41 tỷ USD nông sản một năm, chuyển từ nông thôn nghèo nàn, lạc hậu, manh mún thành một nông thôn mới khang trang, hiện đại như hôm nay có thể gọi là bước tiến vượt bậc.
Chúng ta có thể tự hào nói rằng nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư ít nhất, hàng năm 5 – 6% tổng đầu tư toàn xã hội. Nông nghiệp là lĩnh vực trong các hiệp định thương mại, phần bảo vệ nông nghiệp ít ỏi nhất, là địa bàn cơ sở hạ tầng hạn hẹp nhất, là đối tượng thường xuyên phải đối đầu với rủi ro về an ninh biển đảo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thành công được như vậy là một sự thần kỳ.
Nói đến Việt Nam xưa nay hầu như chỉ nói về bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhưng gần đây là nói đến xóa đói giảm nghèo, ổn định môi trường, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản.
Cả quá trình ấy, công lao đầu tiên thuộc về hàng chục triệu hộ nông dân, hàng vạn doanh nghiệp kiên cường. Bên cạnh đấy, là đông đảo cán bộ khoa học, quản lý gắn bó với nghề nông. Trong đó, vai trò của những nhà tư lệnh ngành, nhạc trưởng để lại dấu ấn rõ rệt.
Thời kỳ đầu đổi mới, một trong những bộ trưởng để lại hình bóng rõ nét trong bản trường ca về nông nghiệp Việt Nam là ông Nguyễn Công Tạn. Với tư cách vừa là một nhà khoa học, vừa là một nhà quản lý, một nhà chính trị, ông để lại dấu ấn rõ nét trong những đột phá về đổi mới chính sách.
Trong những định hướng chiến lược quyết đoán, mạch lạc, mở ra phát triển kinh tế thị trường, kinh tế hộ, trang trại, mở ra hội nhập quốc tế, nông nghiệp Việt Nam đã đột phá rất lớn trong mở mang Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, khai thác Tây Nguyên, đổi mới nông trường quốc doanh từ thời cố Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn. Ông là người đặt nền móng đổi mới, và giữ cho nó mở rộng.
Những điểm đột phá nhất thời Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn là biến Việt Nam từ một nước quanh năm nhập khẩu lương thực chuyển thành nước xuất khẩu lúa gạo nổi tiếng thế giới. Đó là điều không ai ngờ được, lúc đó.
Ông Tạn là người tổ chức khai hoang, phát triển sản xuất từ nông trường quốc doanh sang hai vùng lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Theo ngay sau đó, là câu chuyện cây công nghiệp – cây cà phê, hồ tiêu, hạt điều. Thế giới bắt đầu ghi nhận Việt Nam từ lúc ấy. Đó là dấu ấn, đưa Việt Nam lên tầm xuất khẩu, đưa Việt Nam lên trường quốc tế.
Mọi người thường nói là vận trời phù hộ, những năm do Bộ trưởng Tạn chỉ đạo ngành nông nghiệp, thiên tai rất ít. Mưa thuận gió hòa. Nhưng có một điều chắc chắn, là những định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn thời đó đúng với quy luật kinh tế, xã hội. Tất nhiên, mọi cố gắng, nỗ lực đều có thể đúng và sai, nhưng về cơ bản, cả một cơ đồ nông nghiệp hiện tại được xây dựng từ nền móng ấy.
Bước sang giai đoạn ông Lê Huy Ngọ làm Bộ trưởng, xuất hiện thách thức mới. Đó là thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thiên tai, dịch bệnh. Những tình trạng phá rừng, khai thác tài nguyên biển, sinh học, sau khi tạo bước tăng trưởng tốt, bắt đầu tạo ra sự bất lợi cho sản xuất.
Lúc này, trong sản xuất nông nghiệp xuất hiện thêm những chiều mới. Có thể nói, ông Ngọ chính là một Bộ trưởng được lựa chọn để giải quyết những việc đó.
Với tinh thần sát dân, gần dân, hiểu thông cảm cho người dân, chính người dân cũng đồng cảm với Bộ trưởng, ông Ngọ đã lăn lộn khắp các vùng khó khăn, rủi ro, có thiệt hại để tìm cách chèo chống, tháo gỡ, xây dựng nền móng để nơi đó đi lên. Câu chuyện đáng nhớ nhất về ông Ngọ là phương châm “bốn tại chỗ”. Các chủ trương ông đưa ra để xử lý vấn đề lụt bão, thiên tai rất hiệu quả.
Giai đoạn tiếp đến là Bộ trưởng Cao Đức Phát. Lúc này, cánh cửa đã mở nhưng thực lực của Việt Nam mỏng so với quốc tế. Bộ trưởng Phát giống như một công trình sư, thiết kế nên cơ chế thị trường trong ngành nông nghiệp.
Ông không chỉ đạo bằng các biện pháp chính sách can thiệp, các điều chỉnh về tổ chức hay đầu tư công lớn, mà công lớn của ông là đưa cơ chế thị trường vào từng ngõ ngách của cuộc sống, từng khía cạnh của nông nghiệp để tạo nên sự chủ động, sáng tạo cho từng người nông dân, từng người cán bộ. Nhờ đó, nền nông nghiệp Việt Nam có sức cạnh tranh mới, từng bước mạnh mẽ, vững bền, cả về môi trường, kinh tế lẫn xã hội.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam