Từ sau tết Nguyên đán, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nông sản tại nhiều tỉnh thành trên cả nước rơi vào trình trạng khó tiêu thụ. Phong trào “giải cứu nông sản” tại nhiều nơi đã đồng loạt được tổ chức.
Địa phương được đánh giá chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Hải Dương đã có văn bản gửi đi tác tỉnh thành kêu gọi các địa phương khác hỗ trợ và đã nhận được sự tạo điều kiện của nhiều chính quyền địa phương khác cũng như các bộ, ngành.
Đánh giá về những nỗ lực này ông Đặng Kim Sơn-Giám đốc Viện nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: “Việc trong một thời gian rất ngắn tổ chức được một quá trình giải cứu trên một diện rộng với rất nhiều nông sản là một nỗ lực cao độ. Dù cách thức giải cứu thời gian qua vẫn mang tính tự phát, song chính quyền nhiều địa phương như Hải Dương đã có sự vào cuộc kịp thời. Tuy nhiên, việc ‘giải cứu nông sản’ bị động như thế này chỉ mang tính ngắn hạn, thiệt hại của người dân vẫn rất lớn. Nông sản bán được nhưng vẫn còn nhiều nông sản bị thối hỏng, bán lỗ, người nông dân thiệt hại ít nhất từ 30%-40%.”
Để nông sản không phải triền miên “kêu cứu”
Nếu coi đợt bùng phát dịch bệnh trở lại vừa qua là một phép thử, thì việc hàng hóa, nông sản khắp nơi kêu cứu đã cho thấy nhiều vấn đề cần nghiên cứu và giải quyết.
Ông Đặng Kim Sơn cho rằng tại các địa phương nhận hàng giải cứu, việc thành lập các nhóm tuy khá quy mô và tốc độ nhanh, song chưa có sự thống nhất và bài bản. Chính vì thế, điều này mang lại hiệu quả trong việc tiêu thụ nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, người dân vẫn phải chịu lỗ. Do vậy, việc thành lập các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết các khó khăn nhu thiên tai, dịch bệnh, địch họa là vô cùng bức thiết.Một điểm giải cứu nông sản tại Hà Nội (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
“Tôi nghĩ đây là một trong những giải pháp tổ chức thể chế cần thiết mà chúng ta cần phải tính đến. Xây dựng một cơ quan chuyên trách mang tính chất trực thuộc chính phủ và thường trực một cách liên tục để có thể xử lý kịp thời, tổng hợp những thiên tai, địch họa, dịch bệnh trong phạm vi và quy mô nhất định, trong những thời điểm nhất định là cần thiết và nên làm. Nhất là trong thời điểm chúng ta đang ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vấn đề bất định. Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đã nhận ra vấn đề này cho nên họ đã thành lập thành lập Bộ các vấn đề khẩn cấp. Chúng ta có thể học hỏi từ họ,” ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, “bảo hiểm rủi ro nông nghiệp” cũng là một vấn đề cần được tính đến. Theo ông Đặng Kim Sơn, để đối phó với một tương lai đầy biến động, rủi ro và đối với một ngành hết sức quan trọng của đất nước là nông nghiệp thì “bảo hiểm rủi ro” là loại hình bảo hiểm chúng ta phải làm trong tương lai.
Thực tế, khái niệm về loại hình bảo hiểm này không mới ở nước ta. Bảo hiểm rủi ro nông nghiệp đc thực hiện thí điểm từ giai đoạn 2011-2013 đối với một số loại cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản. Tuy nhiên, dù đã được thử nghiệm nhưng bảo hiểm rủi ro nông nghiệp đến nay vẫn chưa thể triển khai ở Việt Nam.
“Cái khó của việc triển khai bảo hiểm rủi ro nông nghiệp là ở cách thức đánh giá đo lường lúc nào cần chi trả, quy mô chi trả đến đâu, đối tượng nào được chi trả, các căn cứ khoa học để xây dựng các chỉ tiêu là rất khó khăn. Chưa kể, các thiệt hại về thiên tai và dịch bệnh diễn ra trong nông nghiệp diễn ra trên diện rộng, với các đối tượng đa dạng, để chi trả sẽ cần lượng ngân sách khổng lồ vượt quá sức chịu đựng của quỹ bảo hiểm,” ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, trước mắt ngành tài chính và ngành nông nghiệp có thể từng bước xây dựng các chế tài bảo hiểm từ những vấn đề, những rủi ro hay xảy ra nhất, có thể quản lý được nhất trong nông nghiệp với các loại nông sản để đưa vào thực tế. Đây cũng là cơ sở để xây dựng những đánh giá và cách thức hướng tới giải quyết các rủi ro mang tính quy mô rộng hơn, phức tạp hơn.
Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh rằng để không còn tình trạng triền miên “giải cứu nông sản” thì bài toán “cung vượt cầu” cần phải được giải một cách triệt để.
Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và Thể chế nông nghiệp cho rằng trong thời gian tới Việt Nam cần có hệ thống phân tích dự báo về thị trường đảm bảo cân đối cung cầu trong nước trước, ngoài nước sau ở mức an toàn nhất; từ đó đưa ra những quy hoạch về vùng nuôi, trồng và cần có chính sách để kiểm soát được tình hình sản xuất: Thừa thì phạt, thiếu thì được hỗ trợ.
“Ngoài ra, Việt Nam cần hướng tới một hệ thống dự trữ an toàn bằng kho tàng hoặc các vùng sản xuất chuyên biệt tại các địa phương để nếu cần chúng ta có thể sản xuất thêm hoặc giảm đi. Nếu làm được như thế thì chúng ta sẽ không phải đối mặt với tình trạng thừa cung nữa,” ông Sơn khẳng định./.
Theo: Vietnam+